1. Hỏi: Những trường hợp nào không thể nhổ răng được?
1. Hỏi: Những trường hợp nào không thể nhổ răng được?
Trả lời: Các trường hợp không thể nhổ răng liền được có thể do bệnh lý toàn thân hay tại chỗ.
- Bệnh lý toàn thân: bao gồm bệnh lý về đông máu, bệnh tim mạch không kiểm soát, bệnh máu ác tính, bệnh tiểu đường không kiểm soát và một số thuốc điều trị. Trong những trường hợp này nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và chỉ can thiệp khi bệnh lý bệnh nhân đã ổn định sau điều trị nội khoa.
- Bệnh lý tại chỗ: bao gồm những răng trong vùng đang điều trị xạ trị và bị nhiễm trùng cấp tính.
2. Hỏi: Bệnh nhân đang mang thai có thể nhổ răng được không?
Trả lời: Thường nên hoãn can thiệp nhổ răng ở người đang mang thai nếu không khẩn cấp, thời điểm thuận tiện nhất để nhổ răng ở bệnh nhân mang thai là 3 tháng giữa của thai kỳ. Trong trường hợp hết sức cần thiết, nếu phải nhổ răng ở 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối của thai kỳ phải có ý kiến của bác sĩ sản khoa.
3. Hỏi: Mỗi lần có thể nhổ được bao nhiêu răng cùng lúc?
Trả lời: Số răng nhổ ở mỗi lần tùy thuộc vào vị trí của các răng, tình trạng răng và sức khỏe của bệnh nhân, có thể nhổ 2 đến 3 răng kề nhau trong cùng một lần. Không nên nhổ cùng lúc các răng ở hai bên hàm vì làm trở ngại cho việc ăn uống của bệnh nhân.
4. Hỏi: Có thể nhổ hàng loạt các răng trong cùng một lần không?
Trả lời: Đây là trường hợp nhổ răng hàng loạt, phương pháp này có thể áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt: nhổ toàn bộ các răng có chỉ định kết hợp với việc điều chỉnh xương hàm tạo nền tốt cho hàm giả sau này. Phương pháp này có ưu điểm là rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc và chịu đau một lần.
5. Hỏi: Có nên nhổ tất cả các răng ngầm chưa mọc trên cung hàm hay không?
Trả lời: Không nhất thiết phải nhổ tất cả các răng ngầm trên cung hàm khi chưa gây ra biến chứng. Mọt số trường hợp phải nhổ các răng ngầm theo yêu cầu của chuyên khoa chỉnh hình hay phục hình. Tuy nhiên, phải theo dõi định kỳ để phát hiện sớm các tiến triển bệnh lý nếu có
6. Hỏi Nhổ răng có gây tai biến gì đến thần kinh hay không?
Trả lời: Không, nhổ răng không làm ảnh hưởng đến thần kinh, trừ một số trường hợp tuy rất ít gặp như nhổ các răng hàm dưới đặc biệt là răng khôn có thể gây tê môi sau nhổ do vị trí chân râng ở sát với đường đi của dây thần kinh. Trường hợp này sẽ hồi phục dần theo thời gian.
7. Hỏi: Cần chăm sóc gì sau khi nhổ răng?
Trả lời: Cần cắn chặt gòn tại vị trí răng vừa nhổ ít nhất là 20 phút sau. Tuyệt đối không nên khạc nhổ, súc miệng nhất là với nước muối trong vòng 6 giờ sau khi nhổ. Ăn thức mềm và nguội ít nhất là 2 giờ sau khi nhổ, tránh nhai mạnh tại vị trí răng vừa nhổ. Không rờ tay hay dùng các vật dụng khác đụng vào vết thương. Tránh cắn môi, má, lưỡi khi còn tê.
8. Hỏi: Sau khi nhổ răng, bị chảy máu tại vị trí vừa nhổ cần phải làm gì?
Trả lời: Nên dùng gòn sạch hay gạc đặt tại vị trí răng vừa nhổ, cắn chặt lại và giữ yên tại chỗ trong vòng 20 phút, hạn chế súc miệng trong vòng 6 giờ đầu sau nhổ răng, tránh ăn nhai tại vị trí răng vừa nhổ. Trở lại tái khám tại cơ sở điều trị nha nếu tình trạng chảy máu không cải thiện hay gia tăng.
9. Hỏi: Có nên súc miệng hay ngậm nước muối sau nhổ răng để sát trùng vết thương hay không?
Trả lời: Sau khi nhổ răng, trong ổ răng sẽ có thành lập cục máu đông để ngăn cản chảy máu. Tuyệt đối không nên súc miệng, ngậm nước muối sau nhổ răng vì sẽ ngăn cản sự thành lập cục máu đông bít kín vết thương nhổ răng và làm bong cục máu đông đã hình thành trong ổ răng sau nhổ răng gây chảy máu sau nhổ răng.
10. Hỏi: Răng đang bị sưng, đau nhức dữ dội có nên nhổ liền được không?
Trả lời: Thông thường không nên nhổ răng trong những trường hợp như vậy vì việc gây tê sẽ kém hiệu quả, bệnh nhân bị đau nhiều khi nhổ và có nguy cơ tái phát nhiễm trùng. Nên có điều trị nội khoa trước (kháng sinh, giảm đau và giảm sưng) từ 1 - 3 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp có thể nhổ liền nhưng phải tuân theo một số yêu cầu nghiêm ngặt của bác sĩ.
11. Hỏi: Sau khi nhổ răng bao lâu mới có thể làm lại răng giả tại vị trí nhổ?
Trả lời: Thời gian tùy thuộc vào mức độ tiêu xương của từng người, trung bình là 1 tháng sau nhổ răng để xương ổ răng và nướu có thời gian lành thương ổn định.
12. Hỏi: Có cần uống thuốc cầm máu trước và sau khi nhổ răng hay không?
Trả lời: Thông thường sau nhổ răng chỉ cần dùng các biện pháp tại chỗ là có thể ngăn chặn chảy máu tại vị trí nhổ. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân có các bệnh toàn thân dễ gây chảy máu (bệnh huyết hữu, bệnh xơ gan...) có thể phải dùng kèm thuốc cầm máu trước và sau nhổ răng nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
13. Hỏi: có nên nhịn đói trước khi nhổ răng hay không?
Trả lời: Tuyệt đối không để bụng đói khi nhổ răng vì bệnh nhân dễ bị mệt, xỉu khi gây tê do hạ đường huyết. Hơn nữa, bệnh nhân thường nhịn ăn sau khi nhổ do khó ăn nhai nên sẽ có một khoảng thời gian dài nhịn đói gây mất sức.